Trường THPT Phan Chu Trinh tổ chức hoạt động trải nghiệm “Một ngày làm người lính” cho học sinh khối 12 tại Trung đoàn 66

Lượt xem:

Đọc bài viết

            Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2018); 29 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2018); Được sự đồng ý hợp tác phối hợp thực hiện của lãnh đạo hai đơn vị: Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 và Trường THPT Phan Chu Trinh, sáng ngày 22 tháng 12 năm 2018. Trung tâm giáo dục kỹ năng sống của Trường THPT Phan Chu Trinh phụ trách chính là Thầy Đỗ Anh Tuấn – Phó bí thư Chi bộ, Phó hiệu trưởng nhà trường đã tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế “Một ngày làm người lính tại Trung đoàn 66” cho 159 học sinh khối 12 và 20 giáo viên của nhà trường. Hành trình trải nghiệm thực tế được mang tên “Chuyến đi của thanh xuân” thời gian bắt đầu từ 7 giờ 00 và kết thúc lúc 16 giờ 45 ngày 22-12-2018 với các nội dung hoạt động như sau:

1. Hoạt động trải nghiệm cùng đơn vị từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 45

         20 giáo viên cùng với 159 học sinh được chia thành 4 đội để tham gia trải nghiệm các hoạt động thực tế tại Tiểu đoàn 7 thuộc Trung đoàn 66.

– Đội 1 trải nghiệm thực tế ở khu nội vụ

– Đội 2 trải nghiệm thực tế ở khu nấu ăn (hậu cần)

– Đội 3 trải nghiệm thực tế tại khu tăng gia sản xuất

– Đội 4 trải nghiệm thực tế chăm sóc vườn hoa, cây cảnh

2. Hoạt động ăn uống và nghỉ trưa tại theo tác phong quân đội từ 10 giờ 45 đến 13 giờ 00

            Các đội sẽ tập trung về khu vực nhà ăn của đơn vị để thực hiện ăn trưa theo khẩu phần của bộ đội, sau đó về khu nội vụ để nghỉ trưa.

3. Hoạt động toạ đàm, giao lưu văn nghệ từ 13 giờ 30 đến 15 giờ 30

          Giáo viên, học sinh cùng với lãnh đạo và các chiến sĩ của Trung đoàn 66 ôn lại truyền thống ngày 22/12 của Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung đoàn 66 anh hùng qua các thời kỳ.

4. Hoạt động thể thao giao lưu bóng chuyền từ 15 giờ 30 đến 16 giờ 30

            Học sinh của nhà trường và các chiến sĩ của Trung đoàn 66 giao lưu đánh bóng chuyền chào mừng ngày truyền thống của Trung đoàn.

5. Hoạt động chụp ảnh lưu niệm và kết thúc hành trình trải nghiệm

           Thầy cô, học sinh với lãnh đạo và chiến sĩ của Trung đoàn chụp hình lưu niệm trước khi ra về kết thúc hành trình trải nghiệm.

* Vài nét lịch sử truyền thống của Trung đoàn 66 mà đoàn trải nghiệm chuẩn bị đến trải nghiệm

            Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 là một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là đơn vị có bề dày truyền thống ba lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tiền thân là Trung đoàn 9 – Trung đoàn chủ lực của Chiến khu 2. Tháng 12 năm 1946 được đổi tên thành Trung đoàn 37. Ngày 20/03/1947, Trung đoàn được lệnh tấn công quân Pháp tại Thị xã Hà Đông. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã chiến đấu rất dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Tổng Tư lệnh giao phó và ngày 20/03 đã trở thành ngày truyền thống của Trung đoàn. Tháng 11 năm 1947, Trung đoàn 37 đổi tên thành Trung đoàn 66 làm lực lượng chủ lực cơ động của Liên khu 3. Những chiến công của Trung đoàn 66 đã vang lừng Liên khu 3, được Đảng tin, dân mến; Với quân thù, Trung đoàn 66 quả là trung đoàn đáng sợ.

          Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Trung đoàn được điều động vào chiến trường Tây Nguyên tham gia chiến dịch Plei Me lịch sử. Trong chiến dịch này, Trung đoàn đã sát cánh cùng đơn vị bạn và lực lượng vũ trang địa phương lập công xuất sắc, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 1, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 thuộc Lữ đoàn 3, Sư đoàn “Kỵ binh không vận số 1” của Mỹ. Với chiến công oanh liệt trận Ia Đrăng, chiến dịch Plei Me đi vào lịch sử với hai tấm Huân chương Quân công hạng Nhất, như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã giải thích: “Quân đội ta không có huân chương nào cao hơn Huân chương Quân công hạng Nhất, nhưng để xứng đáng với chiến thắng Plei Me, nên tặng chiến thắng này hai Huân chương Quân công hạng Nhất”. Sau chiến dịch Plei Me, Trung đoàn tiếp tục tham gia nhiều trận đánh lớn cho đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng.

             Năm 1987, theo chỉ thị của Bộ, Trung đoàn 66 nằm trong đội hình Quân đoàn 3 được lệnh trở lại Tây Nguyên – một trong những địa bàn chiến lược trọng điểm của cả nước. Trung đoàn tiếp tục vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, phát huy truyền thống “Đoàn kết – Dẫn đầu – Kiên trung – Quyết thắng”.

* Hành trình trải nghiệm “Một ngày làm người lính” với “Chuyến đi của thanh xuân” bắt đầu….

  • 6 giờ 45 phút đoàn trải nghiệm có mặt Trường THPT Phan Chu Trinh làm các công tác chuẩn bị cuối cùng để xuất phát…đúng 7 giờ 00 các xe chở thành viên của đoàn bắt đầu chuyển bánh đến Trung đoàn 66

  • 7 giờ 30 đoàn trải nghiệm có mặt tập kết tại Trung đoàn 66. Ở đây đoàn được các chiến sĩ của Trung đoàn hướng dẫn về sơ đồ vị trí mà đoàn được trải nghiệm. 

  • Sau khi được hướng dẫn và xác định vị trí hành trình trải nghiệm thực tế của các đội bắt đầu….

– Đội 1 trải nghiệm thực tế ở khu Nội vụ

         Lần đầu tiên bước vào bên trong một đơn vị quân đội, thành viên của đội 1 rất thích thú, ngó bên này nghía bên kia. Không gian sống của các “chú bộ đội” đâu cũng ngăn nắp, gọn gàng. Ai cũng mắt chữ A mồm chữ O khi nhìn phòng ngủ của các tân binh năm nhất, năm hai: giường, chiếu, đều tăm tắp; chăn gối cái nào cái nấy vuông vắn như cục gạch. Ngạc nhiên hơn nữa là khi xem các chú gấp nội vụ. Phải công nhận “gấp nội vụ đẹp là một nghệ thuật, và người gấp chắc chắn là một nghệ sĩ”. Các thành viên của đội 1 sau đó được các chiến sĩ hướng dẫn và bắt tay và trải nghiệm gấp nội vụ.

– Đội 2 trải nghiệm thực tế ở khu nấu ăn (hậu cần)

         Ăn uống là nhu cầu không thể thiếu đối với con người, vì thế nấu ăn rất quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày và đòi hỏi phải có kỹ thuật trong dinh dưỡng và cách chế biến. Ăn uống có tác dụng quan trọng đến sự phát triển của cơ thể con người, sức đề kháng và sức làm việc của con người. Đối với quân đội, công tác nấu ăn là một trong những nhân tố có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống…và sau đây là trải nghiệm và thực hành của đội 2…

Và đây là thành quả của đội 2 sau 2 giờ thực hành cùng các chú bộ đội…Tất cả đã sẵn sàn cho bữa trưa 

– Đội 3 trải nghiệm thực tế tại khu tăng gia sản xuất (TGSX)

        Trong khi số lượng tiền ăn có hạn, giá cả lương thực, thực phẩm trên thị trường luôn có sự biến động thì việc tổ chức TGSX sao cho hiệu quả, để bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống của bộ đội là việc làm rất cần thiết. Khắc phục điều kiện thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, khắc nghiệt, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Tổng cục Hậu cần, sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, Trung đoàn đã tích cực đẩy mạnh TGSX đạt hiệu quả cao, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, vệ sinh, thiết thực nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội. Và sau đây là trải nghiệm và thực hành của đội 3…  Sau 2 giờ làm việc vất vả cùng các chú bộ đội….chúng ta chụp hình lưu niệm và chuẩn bị hành quân về ăn trưa thôi nào…

– Đội 4 trải nghiệm thực tế chăm sóc vườn hoa, cây cảnh

           Xây dựng cảnh quan môi trường là một nội dung quan trọng trong thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hoá tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội” góp phần xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, tạo nên đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú trong đơn vị. Từ nhận thức đó, những năm qua, Trung đoàn và các phân đội đã thường xuyên trích quỹ vốn để củng cố hệ thống thoát nước, vườn hoa cây cảnh, vườn cây ăn quả, vườn thuốc nam…. Việc xây dựng cảnh quan môi trường thống nhất trong toàn đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, học tập, công tác của bộ đội. Và sau đây là trải nghiệm và thực hành của đội 4…

2. Hoạt động ăn uống và nghỉ trưa tại theo tác phong quân đội từ 10 giờ 45 đến 13 giờ 00

            Sau 2 giờ trải nghiệm và thực hành các đội tập trung về khu vực nhà ăn của đơn vị để thực hiện ăn trưa theo khẩu phần của bộ đội, sau đó về khu nội vụ để nghỉ trưa. Đây cũng là một trải nghiệm thú vị cho các em và ai cũng vui vẻ ăn hết khẩu phần ăn của mình.

3. Hoạt động toạ đàm, giao lưu văn nghệ từ 13 giờ 30 đến 15 giờ 30

          Giáo viên, học sinh cùng với lãnh đạo và các chiến sĩ của Trung đoàn 66 toạ đàm tại hội trường của Trung đoàn để ôn lại truyền thống ngày 22/12 của Quân đội nhân dân Việt Nam và truyền thống của Trung đoàn 66 anh hùng qua các thời kỳ. Buổi tạo dàm diễn ra trong không khí vui tươi, hào hùng và sôi nổi với những tiết mục văn nghệ đặc sắc mà học sinh và các chiến sĩ bộ đội đã chuẩn bị. Xen kẽ với hoạt động văn nghệ là hoạt động ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng của Trung đoàn và hoạt động tặng hoa chúc mừng và quà lưu niệm cảm ơn của đoàn trải nghiệm cho lãnh đạo và chiến sĩ của Trung đoàn.   Các tiết mục văn nghệ mở đầu cho buổi toạ đàm… Lãnh đạo của Trường phát biểu chúc mừng và tặng hoa, quà lưu niệm cho Trung đoàn… Học sinh cũ của trường nay là chiến sĩ công tác tại Trung đoàn phát biểu cảm xúc khi thầy cô và các em học sinh đến trải nghiệm tại đơn vị… Lãnh đạo của Trung đoàn cảm ơn những tình cảm mà đoàn trải nghiệm đã giành cán bộ và chiến sĩ của Trung đoàn trong ngày truyền thống của mình… Chương trình tiếp tục với các tiết mục văn nghệ… Buổi toạ đàm kết thúc với lời phát biểu cảm ơn một lần nữa của Lãnh đạo đoàn trải nghiệm và cả hội trường cùng hát vang bài Hát mãi khúc quân hành…Chụp hình lưu niệm trước khi chuyển sang hoạt động tiếp theo….

4. Hoạt động thể thao giao lưu bóng chuyền từ 15 giờ 30 đến 16 giờ 30

            Sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập thì không lâu sau đó ngành thể thao Quân đội cũng xuất hiện, bởi bản chất của thể thao chính là huấn luyện thể lực xen kẽ với huấn luyện chiến đấu. Nghĩa là thể thao vẫn là một nội dung của huấn luyện quân sự, lấy việc rèn luyện sức khỏe và nâng cao thể lực cho bộ đội là trọng tâm. Với vai trò quan trọng như vậy nên các chiến sĩ bộ đội của Trung đoàn ngoài giờ làm việc, huấn luyện chiến đấu, tăng gia sản xuất,…thì hoạt động không thể thiếu hàng  ngày đó là chơi các môn thể thao để rèn luyện sức khoẻ…Chúng ta cùng trải nghiệm một trận đấu giao hữu bóng chuyền của đoàn trải nghiệm với các chiến sĩ bộ đội nhé…

5. Hoạt động chụp ảnh lưu niệm và kết thúc hành trình trải nghiệm

           Thầy cô, học sinh với lãnh đạo và chiến sĩ của Trung đoàn cùng nhau chụp hình lưu niệm trước khi đoàn trải nghiệm lên xe ra về kết thúc hành trình trải nghiệm… 

  • Lời kết cho chuyến hành trình trải nghiệm “Một ngày làm người lính” với Chuyến đi của thanh xuân…

       Hoạt động trải nghiệm thực tế “Một ngày làm người lính tại Trung đoàn 66” tuy với thời gian rất ngắn nhưng đã giúp các em học sinh bổ sung cho bản thân nhiều kỹ năng sống: kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, ứng phó với khó khăn, kỹ năng quản lý nhóm, kỹ năng tổ chức một hoạt động nào đó…. tăng cường hiểu biết về kiến thức giáo dục quốc phòng, thêm hiểu biết và yêu quý truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua trải nghiệm này các em được giáo dục tính kỷ luật, tập thể, tinh thần đoàn kết, sự khâm phục, kính trọng và tình yêu với các chiến sĩ đại diện cho hình ảnh “Anh bộ đội cụ Hồ”, tình yêu quê hương, đất nước.

      Hoạt động có sức lan tỏa tới tất cả các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các em học sinh trong toàn trường. Đây là hoạt động có ý nghĩa giáo dục cao, đã để lại những ấn tượng đẹp, những khoảnh khắc đáng nhớ trong mỗi em học sinh, thầy cô giáo trong nhà trường.

        Hành trình trải nghiệm kết thúc trong sự tiết nuối của học sinh, thầy cô và các chiến sĩ Trung đoàn 66. Ai cũng mong sao thời gian được lâu thêm một xíu, một xíu nữa… vì đang còn quá nhiều điều chưa được khám phá, trải nghiệm… Hẹn gặp lại Trung đoàn 66 anh hùng vào một ngày gần nhất…!

Bài viết này có sử dụng một số hình ảnh của giáo viên và học sinh trong đoàn trải nghiệm…

Đưa tin và hình ảnh: Trương Kim Lâm (TTCM Tổ Tin học)